Những trái núi nay mọc lên trên cánh đồng 5 tấn xưa.
Tôi dừng chân, ngắm cảnh lạ mắt, một bác cựu chiến binh (CCB) của Trung đoàn 51 (đơn vị huấn luyện quân đi B của tỉnh Thái Bình hồi đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hiện cư trú ở phường Hoàng Diệu) – bạn đường bảo: các nhà lãnh đạo của tỉnh này bằng quyết tâm chính trị múc cát ở sông Bo, tạo dựng lên 3 trái núi này. Nhìn ba quả núi nhân tạo thế bát úp, tôi thoáng nhớ cụ Liệt Ngự Khấu, nhà triết học người Trung Quốc ở thế kỷ thứ 4, trước Công nguyên. Cụ viết cuốn sách tựa đề “Liệt Tử” có chuyện Ngu Công chuyển núi. Chuyện thì dài, vắn tắt thế này: Ngu Công là một lão nông ở tuổi 90, huy động con cháu chuyển 2 quả núi ngự tiền chắn hướng nhà mình đi nơi khác. Quả núi này là Thái Hoàng Sơn, quả kia là Vương Ốc Sơn. Công cụ di dời núi của nhà Ngu Công chỉ là cuốc và gùi địu trên lưng, đưa đất đá từ núi cao ra biển đổ. Cụ Trí Tẩu – người thông thái nhất làng và lân gia can nhà Ngu Công bỏ việc phiêu lưu dời non lấp biển, nhưng Ngu Công đã quyết chí thì không ai gàn được. Ngày qua tháng lại, Ngu Công cần mẫn chuyển núi. Nghị lực của Ngu Công chạm đến lòng thương của Ngọc Hoàng thượng đế. Người đã sai hai vị quan đại thần nhà trời xuống giúp. Tích này trùng với chuyện ông Khổng lồ chuyển núi ở Quảng Ninh. Ông quẩy 2 quả núi trĩu vai, qua mép nước vịnh Hạ Long thì đứt gánh. Một quả rơi xuống biển, nay là núi Bài Thơ. Một quả rơi trên núi, gọi là núi Mằn. Hai trái núi này các nhà địa chất xác định là núi song sinh, bởi thổ nhưỡng, địa mạo, hệ sinh thái giống nhau. Chúng cách nhau khoảng hai chục cây số đường chim bay, đoạn giữa là vịnh Cửa Lục, truyền thuyết đây là dấu chân ông Khổng lồ chuyển núi. Hiện cả hai quả núi cùng là Di tích cấp Quốc gia.
Chuyện Ngu Công ở Trung Quốc và chuyện ông Khổng lồ ở vùng Đông Bắc bộ nước ta chuyển núi chắc chỉ là thần thoại, không có thật. Còn chuyện thay trời, sắp xếp lại núi sông là có thật. Thời Thái Bình tạo ra cánh đồng 5tấn/ha lúa cao sản nhất miền Bắc khi tát nước lên ruộng là gầu sòng; thì ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có ông Nguyễn Hữu Đợi, Bí thư Huyện ủy chỉ cần “một mo cơm, một quả cà, một ý chí, đã “thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”. Ngày ấy, Quỳnh Lưu bằng đôi vai, sức người khiến nước ngược dòng đổ lên đồng ruộng, với 86 công trình thủy lợi, trong đó có hồ Vực Mấu trữ lượng 75triệu m 3 nước.
Sức người thần kỳ, 3 quả núi cao mọc trên cánh đồng 5tấn xưa hút hồn du khách. Vui chân, tôi thả bộ vào sâu trong núi, nom đoàn người ươm cây, trồng cỏ trên cao… đưa máy ảnh lên chụp vài kiểu, định bụng về khoe làng xóm. Đường đột quay lại, bởi phía sau mình có một bác bảo vệ giật giọng ra lệnh không được chụp ảnh, kèm theo yêu cầu phải ra khỏi nơi này. Tôi cự lại rằng, khu đồi núi nhân tạo này chả phải khu vực quân sự, đường ngang ngõ tắt đi vào dễ dàng, lại không nom thấy cắm biển cấm quay phim chụp ảnh; đồng tiền thuế của dân đổ vào đây, cớ sao không cho chụp ảnh?
Đoàn người ngày ngày ươm cây trồng cỏ tạo núi giả.
Bác bảo vệ đuối lý, còn bác CCB bạn đường thì bảo, khu vực này lãnh đạo tỉnh đang rục rịch đầu tư 300 tỷ đồng xây tòa tháp nửa cổ, nửa kim cao 25 tầng thì bị dư luận, nhân dân phản đối, tức thì cấm cửa người qua lại, không cho quay phim chụp ảnh. Chính quyền còn tuyên rằng, đây là công trình xã hội hóa, doanh nghiệp người ta xuống tiền tậu ruộng của dân để đắp núi, xây tháp, Nhà nước có bỏ ngân sách ra đâu mà rộn.
Nhìn đi thì thấy hay mắt, nhìn lại thì thấy bất ổn. Hàng vạn mẫu ruộng tươi tốt, không những làm ra thóc gạo nuôi người, một thời còn là niềm kiêu hãnh của người Thái Bình. Các chân ruộng 5 tấn, lẽ ra phải được tôn vinh di tích lịch sử văn hóa bất khả xâm phạm, nay bị doanh nghiệp mua đứt, chuyển đổi mục đính sử dụng, đắp đồi làm cảnh.
Chưa rõ tạo rừng giả, núi nhân tạo một tháng hết bao nhiêu tạ thóc quê mình.
Chả hiểu lãnh đạo tỉnh Thái Bình có hay, bài học thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh đắp núi ở Quảng trường 12.11, tạo tựa sơn, long chầu, hổ phục… Chả hiểu phong thủy lợi đến đâu, dẫy núi lù lù chướng mắt, phí mặt bằng hữu ích. Khi hót đi mất đứt chục tỷ công vận chuyển, nếu soi lại công đắp núi còn xót tiền dân hơn nữa.
Khu vực này nay mọc núi, mai mọc tháp chống trời.
Thái Bình vốn có bài học lớn, để có cánh đồng năng suất cao phải: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống… không thể áp đặt ý chí chủ quan được. Xây dựng công trình để đời, phải cân nhắc kỹ hiệu quả: kinh tế, văn hóa, xã hội. Không thể “cả vú lấp miệng em” bằng cụm từ xã hội hóa, “ếch nào mà chả là thịt”. Tiền của Doanh nghiệp âu cũng là tài sản của xã hội, là mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Thái Bình đắp núi, xây dựng tháp – những công trình xây dựng khó hiểu. Địa phương còn nghèo, còn thiếu kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội, dân gửi gắm lòng tin vào sự sáng suốt của các vị thay mình điều hành Nhà nước ở địa phương thì phải cân nhắc dùng đồng tiền, bát gạo, tài nguyên đất đai làm sao cho có hiệu quả. Công trình xây dựng phải được công khai, minh bạch, thậm chí phải tổ chức thi kiến trúc, thời kỳ “mo cơm quả cà, một tấm lòng… sắp xếp lại giang sơn” đã trở nên duy ý trí. Giờ, rõ là phải “có bột mới gột lên hồ”, chứ đâu phải như Ngu Công dời núi được.
Vũ Phong Cầm